VỀ NHỮNG "ĐƯỜNG DÂY" XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG ĐI NEW ZEALAND


Thời gian gần đây, số lượng người hỏi về "Đường dây" xuất khẩu lao động và đi Samoa sau đó vài tháng là có "thẻ xanh" ở New Zealand ngày càng nhiều. Nhân đây chúng tôi muốn viết một bài chia sẻ về những "đường dây" lừa đảo mới mà đối tượng là những người thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin, có mong muốn đi nước ngoài lao động kiếm tiền. Lúc trước họ lừa nhiều người sang Châu Âu rồi. Sau vụ mấy chục người chết cóng trong container gây rúng động nên họ chuyển hướng sang thị trường lạ lẫm, ít người biết là New Zealand chăng?
Hãy bắt đầu bằng câu hỏi kinh điển nhất: New Zealand có nhận lao động xuất khẩu từ Việt Nam không?
Well, câu trả lời cũng hông hề dễ dàng theo kiểu CÓ - KHÔNG vì tùy theo định nghĩa thế nào là xuất khẩu lao động.
Xuất khẩu lao động, định nghĩa theo một cách trực quan sinh động dễ hiểu nhất là bán sức lao động ra nước ngoài mang ngoại tệ về xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. Nếu định nghĩa như thế thì tất tần tật mọi người từ sinh viên tốt nghhiệp xong ở lại kiếm việc làm, đến Working Holiday, đến mấy bạn SilverFern Visa gì gì cũng đều là bán sức lao động ở xứ tư bản giãy chết này rồi.
Ở đây thôi thì xem xuất khẩu lao động theo cái nghĩa mà ai cũng hiểu ngầm, tức là lao động tay chân nặng nhọc không cần chất xám nhiều. Kiểu như làm công nhân, làm cu ly vậy đó.
Nếu theo định nghĩa trên, thì New Zealand quả thực là chấp nhận xuất khẩu lao động. Đó là các chươgn trình:
- Working Holiday Visa: các bạn trẻ (dưới 30 tuổi) qua làm nông, săn bắt hái lượm đồ. Loại visa này 1 năm chỉ có 100 visa mà thôi và cạnh tranh cực cao.
- Essential Skill Work Visa (Low Skill): các bạn qua dưới dạng có chút tay nghề như: điện, mộc, sơn, nail, đầu bếp, v.v. Diện này phải có chủ bảo lãnh và cũng trải qua nhiều công đoạn chứng minh phức tạp và cũng không phải chủ nào cũng có thể bảo lãnh dễ dàng. Các chủ đa phần đều là người Việt Nam đồng hương cả. Và đồng huơng Việt Nam chủ tiệm nail, chủ công ty sơn thì ... à mà thôi ....
- Accredited Talent Work Visa: mấy bạn qua sẽ làm công nhân cho một số công ty được phép tuyển dụng lao động nước ngoài. Cũng chỉ là làm công nhân đủ ngành nghề.

Nhìn chung chỉ có 3 loại visa đó là dạng "xuất khẩu lao động".
Điểm chung của cả 3 loại visa trên là gì? Đó là:
- Phải có trình độ
- Phải biết tiếng Anh tối thiểu ở mức nào đó.
- Phải có kinh nghiệm tối thiểu
Ba loại visa trên:
- Các bạn không thể nào định cư được. Vì muốn định cư, các bạn cần phải thỏa mãn vô số các điều kiện cực kỳ hà khắc.
- Các bạn không thể mang gia đình con cái theo. Huống chi là đi học miễn phí này nọ.
Và, New Zealand không phải là Mỹ mà có "thẻ xanh". Bên này không có khái niệm "thẻ xanh" "thẻ đỏ" hay "thẻ vàng" gì cả nhé. Nói chung chả có "Thẻ" gì hết trơn ấy.
Nếu như bỗng nhiên một ngày nào đó, các bạn thấy trên mạng có một mẩu tin đăng đại loại:
- Cần 10 bạn đi gấp New Zealand
- Không yêu cầu bằng cấp, tiếng Anh
- Nộp hộ khẩu + chứng minh
- 3 tháng có thẻ xanh
- Con cái giáo dục miễn phí
- Vân vân và vân vân
Thì thôi, dẹp đi đừng có tin. Lừa đảo đấy. Chắc luôn !
Ở đời làm gì có chuyện gì dễ ăn của Ngoại đến thế. Dễ như thế thì Việt Nam khéo chả còn ai đấy chứ.
Vậy còn chuyện đi Samoa sau đó định cư New Zealand thì sao?
Cũng thế, nói luôn từ đầu là: LỪA ĐẢO luôn đấy ạ.
Vì sao? Vì ngay cả người Samoa họ muốn định cư ở New Zealand cũng trầy da tróc vảy ra chứ có phải dễ đâu. Vậy thì cửa nào cho những người mang cuốn hộ chiếu xanh đi quanh thế giới như các bạn?
Mà mấy bạn biết Samoa nó nằm ở đâu không đó? Nó là 1 đảo quốc bé tí tẹo như kiểu Phú Quốc của Việt Nam. Cách New Zealand vài tiếng đồng hồ theo đường bay. Đến đó là chắc khỏi có đường về, trừ khi kết bè chèo thuyền ra biển đến New Zealand.
Đừng có tin cái bọn cò xuất khẩu lao động nó dụ dỗ đi Samoa này nọ. Tiền mất tật mang đấy. Biết ai có ý định đi thì mấy bạn ngăn cản quyết liệt vào. Cứu một mạng người bằng xây 7 tháp phù đồ đó!!!
Những bạn nào còn mơ mộng đi xuất khẩu lao động ở New Zealand: Tỉnh mộng đi!
Những bạn nào còn nghĩ đến việc đi Samoa sau đó định cư ở New Zealand: Tỉnh luôn mộng đi!